article main image
Thảo luận việc trao quyền điều chỉnh quy hoạch Đà Nẵng cho Chủ tịch Thành phố           By VnMedia

- Một trong những cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Đà Nẵng là trao quyền Chủ tịch UBND TP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch TP, giao UBND TP thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị…

Ngày 23/5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tư theo hình thức trực tuyến. Các đại biểu đã thảo luận về việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác…

Đầu phiên làm việc, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác; sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết này.

Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Theo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề nghị thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng theo mô hình và phạm vi: Ở khu vực đô thị thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị một cấp: tại thành phố Đà Nẵng tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND);

Tại các quận và phường không tổ chức cấp chính quyền địa phương mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND. Ở huyện Hòa Vang và các xã trực thuộc vẫn tiếp tục giữ mô hình cấp chính quyền địa phương, gồm HĐND và UBND.

Theo Báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 03 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn cho rằng, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường và các cơ quan tư pháp quận (do không tổ chức HĐND ở quận và phường nên chỉ có HĐND thành phố là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân ở địa phương).

Theo ý kiến này, trong đổi mới tổ chức chính quyền địa phương, vấn đề cốt lõi là cần tập trung vào việc sắp xếp để tăng quy mô các đơn vị hành chính; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp; đổi mới cơ cấu tổ chức bên trong, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức và đổi mới phương thức hoạt động của HĐND, UBND ở từng loại đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình

Trao quyền điều chỉnh quy hoạch cho Chủ tịch Thành phố

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến về điều chỉnh quy hoạch Thành phố Đà Nẵng. Theo đó, Dự thảo Nghị quyết giao Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố, giao UBND thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An), cho rằng cơ chế, chính sách đặc thù như trên, Bộ Chính trị cũng đặt ra nhiều mục tiêu lớn để phát triển thành phố Đà Nẵng.

Về quy hoạch và quản lý quy hoạch cho phép thành phố điều chỉnh quy hoạch cục bộ đô thị đã được Chính phủ phân cấp tại Nghị định 144. Việc tiếp tục giao cho thành phố Đà Nẵng điều chỉnh là hoàn toàn có cơ sở thực tiễn đối với việc quy hoạch chung của thành phố. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn bởi việc điều chỉnh quy hoạch nhằm đảm bảo tính định hướng cho thành phố. Do đó, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị việc điều chỉnh thành phố Đà Nẵng phải được xem xét hết sức kỹ lưỡng và phải theo đúng quy định của Luật Quy hoạch mới được Quốc hội thông qua.

Cũng đồng ý với việc cho phép thành phố Đà Nẵng được điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị để phát huy lợi thế về tiềm năng, lợi thế của thành phố, tuy nhiên, đại biều Đinh Duy Vượt (Gia Lai) băn khoăn, việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải đảm bảo nghiêm ngặt quy tắc không được phá vỡ quy hoạch tổng thể như quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.

Việc làm này phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, kể cả khi họ về hưu hay luân chuyển công tác nhằm tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch, bổ sung quy hoạch tùy tiện hay thay đổi quy hoạch theo “tư duy nhiệm kỳ”. Thậm chí, nhiệm kỳ sau phủ định quy hoạch ở nhiệm kỳ trước, gây hậu quả không nhỏ như đã từng xảy ra.

“Mục tiêu của việc làm này là nhằm tạo điều kiện để thành phố chủ động và rút ngắn thời gian của việc điều chỉnh quy hoạch nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ thông qua cơ chế lấy ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Chính vì vậy, quy định tại dự thảo là phù hợp, đúng tinh thần của việc đẩy mạnh phân cấp tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Đà Nẵng.” – Đại biểu Đinh Duy Vượt nói.

Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là một quy hoạch cấp dưới của quy hoạch thành phố và chịu sự điều chỉnh bởi quy hoạch thành phố, thường xuyên thay đổi, thường xuyên phát sinh trong quá trình hoạt động.

Vì vậy, để chủ động và rút ngắn thời gian thực hiện có thể phân cấp được cho thành phố với một quy trình quản lý, giám sát chặt chẽ và phải có ý kiến của Bộ Xây dựng, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch và không được phá vỡ quy hoạch của cấp trên.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, Đà Nẵng là thành phố năng động, có nhiều tiềm năng phát triển, là trung tâm của khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

Do đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội thông qua.

Xuân Hưng